Làng Sen Quê Bác
Nghệ An được xem là vùng đất “địa linh nhân kiệt” nơi từng sinh ra nhiều bậc kỳ tài trong lịch sử và cũng là vùng đất luôn gắn liền với vận mệnh tổ quốc. Đặc biệt nơi đây chính là quê hương của Chủ tích Hồ Chí Minh – vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Làng Sen thuộc xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An– mảnh đất miền Trung đầy nắng gió. Từ thành phố Vinh đi theo quốc lộ 46 khoảng 15km là tới làng Sen, quê Bác. Cũng chính nơi đây, hơn nửa thế kỷ trôi qua, không biết có bao nhiêu bước chân của những người con quê hương Việt Nam tìm đến với niềm thành kính và sự xúc động sâu xa trong tâm hồn mình. Đây cũng chính là 1 trong 4 di tích quan trọng bậc nhất cả nước về vị chủ tích kinh yêu của dân tộc và cũng là niềm tự hào của người dân xứ Nghệ.
Hương sen nơi nào cũng có, mái tranh vách lá nơi nào cũng có, vậy mà sao trước không gian làng quê mộc mạc này ai cũng dâng trào một cảm xúc lạ thường. Ao sen bên cạnh đường vào nhà Bác độ này đơm bông chi chít như góp phần làm dịu đi cái nắng nóng của mảnh đất Miền Trung. Sen ở đây mang một vẻ đẹp tinh khiết, hương thơm ngào ngạt, quyến rũ một cách lạ kì. Bác Hồ được sinh ra và lớn lên từ làng Sen. Hoa sen và Bác, Bác và hoa sen dường như đã gắn bó mật thiết với nhau tự bao giờ. Hoa sen biểu hiện cho sự khai sáng và hoàn mỹ, vừa đời thường lại vừa cao quý, đó cũng chính là nét đẹp trong tâm hồn và con người của vị lãnh tụ vĩ đại.
Cụ Nguyễn Sinh Sắc – thân phụ của chủ tịch Hồ Chí Minh sau nhiều năm dùi mài kinh sử và trải qua 2 lần thi hội, ông đã đỗ Phó bảng khoa Tân Sửu (1901), cùng khóa với nhà yêu nước Phan Châu Trinh. Dân làng ở đây rất vui mừng bởi biết bao năm rồi mới có người đỗ phó bảng. Làng đã cắt đất, dựng nhà ban mừng cho ông với ngôi nhà lớn 5 gian, lúc đó ông Nguyễn Sinh Thuyết – anh trai của ông cũng tặng ông ngôi nhà bếp ba gian phía dưới.
Cảm động trước tấm lòng của bà con làng Sen, ông Nguyễn Sinh Sắc cùng các con tạm biệt mảnh đất Hoàng Trù quê ngoại đầy ân nghĩa, trở về làng Sen này sinh sống. Ngày về, gia đình Bác Hồ chỉ còn 4 người là bố, anh trai, chị gái và Bác. Mẹ Bác Hồ mất ở Huế năm 33 tuổi. Là người trọng ân nghĩa, bố Bác Hồ đã lập bàn thờ gian nhà chính giữa trang trọng nhất để thờ vợ. Đến bây giờ những người thân trong gia đình của Bác không còn ai nữa, bàn thờ đã trở thành nơi thờ cả bố, mẹ, anh và chị của Bác.
Gian nhà thứ 2 là bàn thờ bố mẹ, anh chị Bác Hồ, bên cạnh bàn thờ có một tấm bảng nhà vua đã ban tặng cho cụ Nguyễn Sinh Sắc khi ông thi đỗ. Có 4 chữ sơn son thếp vàng là “Ân – Tứ – Ninh – Gia” tức là ân nhà vua ban về cho gia đình tốt. Ông đặt tấm bảng này bên cạnh bàn thờ vợ, hi vọng vong linh người vợ nơi chín suối sẽ được toại nguyện.
Gian thứ ba chính là nơi nghỉ của chị gái Bác Hồ. Căn buồng rất kín đáo với 1 chiếc giường tre nhỏ. Chị gái Bác Hồ – bà Nguyễn Thị Thanh khi còn trẻ là người nổi tiếng đẹp người, đẹp nết, được nhiều cậu ấm con quan hỏi về làm vợ nhưng bà từ chối. Bà tâm sự với bà con: “mẹ tôi mất sớm, bố không đi bước nữa. Là con gái lớn của gia đình, phận làm con tôi xin nguyện ở vậy để chăm sóc cha và các em thay mẹ”. Về sau, anh và chị Bác Hồ tham gia hoạt động cứu nước sôi nổi, bị bắt giam tù đày. Tuổi thanh xuân qua đi, khi anh chị Bác Hồ được trả tự do thì không ai còn điều kiện lập gia đình nữa.
Nơi nghỉ ngơi của bố Bác Hồ là bộ phản được đặt ở gian thứ 4. Ông vẫn thường nằm đọc sách ở đây, dạy các con từng câu văn nét chữ, ông luôn dặn các con rằng: “đừng lấy phong cách quan làm phong cách nhà ta, mọi công việc đều do con lo liệu lấy”. Chị gái Bác Hồ vẫn thường nấu nước chè, mời bà con đến đây uống nước nói chuyện, không có sự phân biệt nào giữa nhà quan Phó bảng và dân thường. Ngôi nhà bếp 3 gian này là nơi nấu nướng, sinh hoạt của gia đình Bác. Căn nhà nhỏ nhắn, đơn sơ với những vật dụng nấu nướng thường ngày được cất gọn trong những ngăn tủ.
Làng Kim Liên giờ đây không chỉ là nơi Bác Hồ sinh ra và lớn lên, mà nơi đây còn là điểm cuối trong hành trình về nguồn cội. Với mỗi người dân đất Việt ngôi nhà Bác tại làng Kim Liên đã là ngôi nhà chung. Dù theo tháng năm bây giờ làng Sen đã nhiều đổi thay. Đặc biệt, niềm vui của người dân trên quê Bác như được nhân lên khi Nam Đàn được vinh dự huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018. Đường làng bằng đất đã được lát bằng bê tông, nhiều ngôi nhà san sát mọc lên ngói đỏ. Nhưng vẫn còn đó những ao sen, đầm sen tỏa hương thơm ngát. Với nếp nhà tranh trong vườn của Bác vẫn rộng cửa đón con cháu về thăm. Về lại Làng Sen quê Bác dịp này, ta lại gặp ở đây nhiều giọng nói của trăm miền quê từ Bắc vào Nam, với bao lứa tuổi. Và bởi làng Sen quê Bác đã là quê chung cho mọi người dân đất Việt.