Chùa Vĩnh Tràng

Lịch sử xây dựng chùa Vĩnh Tràng

Chùa Vĩnh Tràng là một ngôi chùa cổ kính, hài hòa với phong cách kiến trúc Đông Tây kết hợp vô cùng đặc sắc. Chùa được xây cất bởi nhiều người, trong nhiều năm.

Theo sử sách ghi chép, thời vua Minh Mạng, vào thế kỷ 19, chùa Vĩnh Tràng chỉ là một cái am nhỏ được ông bà Bùi Công Đạt xây dựng. Năm 1849, hòa thượng Thích Huệ Đăng ở chùa Giác Lâm (Gia Định) về đây trụ trì đã tổ chức xây dựng thành ngôi đại tự và đặt tên là chùa Vĩnh Trường với ngụ ý ước cho chùa được “Vĩnh cửu đối sơn hà, trường tồn tề thiên địa”. Vì ý nghĩa cao quý đó, ngôi chùa được người dân vùng lân cận yêu mến gọi thành chùa Vĩnh Tràng. Trải qua nhiều đời truyền thừa, chùa Vĩnh Tràng ngày càng rộng lớn, uy nghiêm, làm nơi để những người theo đạo Phật hoặc bà con gần xa đến hành hương.

Kiến trúc độc đáo kết hợp phong cách Á – Âu

Vĩnh Tràng là một trong số những ngôi chùa mang phong cách kiến trúc có một không hai tại miền Tây Nam Bộ. Với sự kết hợp cùng lúc năm lối kiến trúc gồm Pháp, La Mã, Thái, Miên và Chàm. Chùa Vĩnh Tràng xứng đáng là công trình phản ánh lịch sử mỹ thuật bậc nhất miền Tây của đất du lịch Tiền Giang.

Chùa có kiến trúc theo dạng chữ Quốc, gồm 4 gian nối tiếp nhau (tiền đường, chánh điện, nhà tổ và nhà hậu) rộng 14.000m², dài 70m, rộng 20m, xây bằng xi măng và gỗ quý, nền đúc cao 1m, xung quanh xây tường vững chắc.

Điểm đặc biệt của cổng tam quan này là ở nghệ thuật ghép những mảnh sành sứ có để minh họa cho lịch sử nhà Phật với đủ hình dáng của long, lân, quy, phượng, ngư, tiều, canh, mục,… vô cùng ấn tượng và đặc sắc.

Mặt trước của tiền đường tạo cảm giác như đi lạc vào một ngôi chùa nước ngoài với những hàng cột thanh mảnh, vòm cong và hoa văn nhiều màu sắc. Chắc chắn đây là lần đầu tiên bạn chiêm ngưỡng những tiểu xảo kiến trúc độc đáo lạ mắt như: bộ phù điêu bát tiên cưỡi thú, vòm cửa kiểu La Mã, bông sắt của Pháp, gạch men của Nhật,… Nói không ngoa thì chùa Vĩnh Tràng chẳng khác nào một bảo tàng kiến trúc thu nhỏ.

Càng đi sâu vào bên trong Chùa, du khách lại cảm nhận rõ hơn nét đẹp Việt thể hiện ở hệ thống các hoành phi, tượng gỗ được chạm khắc khéo léo, tinh xảo. Chính điện được bài trí trang nghiêm; trước chánh điện có 2 cột gỗ lớn, chạm rồng nổi rất công phu.

Hệ thống tượng Phật – chuông cổ – tranh quý trong chùa

Trong chùa còn bảo tồn trên 60 tượng phật bằng gỗ, đồng, đất nung và xi măng; nhưng đa số tượng bằng gỗ, tất cả được thếp vàng óng ánh và được tạo tác vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Riêng 3 tượng đồng (Di đà, cao 98 cm, Quan Âm và Thế Chí cao 93 cm) được tạo giữa thế kỷ 19.

Bên cạnh những pho tượng, hiện vật còn lại trong chùa này phải kể dến là Đại Hồng Chung mang tên Pháp Bảo Chuông cao 12 cm, nặng khoảng 150 kg được đúc giữa tháng 5 năm 1854 trên đó khắc chữ “Vĩnh Trường Tự”. Hiện nay Pháp Bảo Chuông không sử dụng được, bị hỏng do nằm lâu dưới nước sau thời gian thất lạc.

Đặc biệt, chùa còn giữ được bộ Thập bát La hán với nhiều dáng vẻ khác nhau, rất sống động, là những tác phẩm tượng tròn độc đáo được các nghệ nhân Nam Bộ tạc vào những năm đầu thế kỷ 20. 

Trong khuôn viên chùa có tượng Phật Di Lặc trong tư thế ngồi giữa công viên, có chiều dài 27m, chiều rộng 18 m, cao 20m và nặng khoảng 250.000kg bằng chất liệu bê tông, cốt thép. Bên trong pho tượng phật A di đà chùa Vĩnh Tràng được tận dụng thiết kế cơ quan làm việc của Ban Trị Sự Phật Giáo tỉnh Tiền Giang, có giảng đường, nơi nghỉ phục vụ cho 200 người. 

Phía sau chùa là Đài Quan Âm với pho tượng Phật Quan Âm trong tư thế nằm. Ngoài ra, chùa còn có nhiều hạng mục mới đầu tư xây dựng như: Quảng trường, hồ nước, hệ thống đèn chiếu sang, bồn hoa, cây xanh, sân bãi… rất trang nhã, sạch đẹp.

Ngoài ra trong chùa hiện nay còn hơn 20 bức tranh sơn thủy rất giá trị, mang đậm nét dân gian Việt Nam, in hình “mai, lan, cúc, trúc”, hình phong cảnh Việt Nam rất nên thơ. Đó là công trình của Long Giang cư sĩ phác họa năm 1904. Điều đáng chú ý là trong chùa còn có nhiều bao lam được chạm trổ công phu và những bức hoành phi, câu đối được khắc chữ nổi, thếp vàng, được khắc từ 1851 đến nay vẫn còn khá đẹp.

Điểm hành hương và du lịch nổi tiếng của Tiền Giang và miền Tây Nam Bộ

Chùa Vĩnh Tràng từ lâu đã trở thành điểm hành hương và du lịch Tiền Giang nổi tiếng. Vào những ngày như mồng một, mười bốn, ngày rằm… chùa đón rất nhiều đoàn khách trong và ngoài nước về hành hương.

Du khách đến đây không chỉ để ngắm một ngôi chùa cổ rộng lớn với kiến trúc độc đáo mà còn đến để gửi gắm những ước vọng bình an, trải lòng mình trong một không gian yên bình, thanh tịnh. Mỗi ngày, chùa đón tiếp gần 1000 khách tham quan, trong đó có khoảng 300 vị khách nước ngoài.

Ngoài danh hiệu “ngôi chùa lớn nhất Tiền Giang”, ngôi chùa còn có vô số những điều thú vị khác. Năm 1984 chùa Vĩnh Tràng – điểm hành hương và du lịch Tiền Giang nổi tiếng đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích cấp Quốc gia. Ngày 31 tháng 5 năm 2007, Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam đã xác lập kỷ lục vào ngày “Chùa Vĩnh Tràng – ngôi chùa Việt Nam đầu tiên kết hợp phong cách kiến trúc giữa phương Đông và phương Tây”.

 

Saco Travel mong muốn lắng nghe ý kiến đánh giá của bạn:

Hotline đặt vé Saco 24/7: 1900 6027